“Hai chị em có biết trong 14 lời dậy của Phật trên kia, bố tự hào nhất về điều gì không? Đó là điều số 8: Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã.”
“Có khi bố phải ngủ ngoài ghế đá. Có khi bố ngủ dưới gầm cầu thang của toà nhà của người ta. Thế mà giờ bố có tiền về với các con và mua tặng mẹ xe máy này. Các con nhớ nhé: Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã” – Bố vừa nói vừa nhìn vào chiếc xe máy Honda màu đỏ mới mua tặng mẹ sau 9 năm xa nhà với ánh mắt tự hào và tràn đầy niềm hạnh phúc.
Bố chẳng bao giờ dậy con gái phải mạnh mẽ và khôn ngoan hơn để ra ngoài không bị người ta bắt nạt. Chỉ thi thoảng bố than: “Thật thà quá con ạ!”
Cuộc sống vẫn luôn màu hồng, ai ai cũng vui vẻ cho đến khi gia đình tôi gặp một biến cố lớn. Nợ nần và bố mẹ quyết định để các con ở nhà với ông bà ngoại và đi làm xa- cơ hội để có thể trang trải kinh tế gia đình. Tôi lúc đó, tôi- con bé 15 tuổi, với sự hỗ trợ của ông bà ngoại về việc nhà, lo bữa ăn giấc ngủ cho hai em và là gương mặt đại diện để chủ nợ nhắc nhẹ mỗi khi đến hạn trả tiền lãi.
Con bé hồn nhiên ngày nào dần nhận ra cuộc đời không màu hồng như nó vẫn thấy. Không phải trước mặt mình họ vui vẻ thì sau lưng họ cũng vậy. Không phải khi có bố mẹ ở nhà, họ niềm nở thì khi bố mẹ không ở nhà và gia đình gặp khó khăn thì họ vẫn đối xử với mình như trước. Tôi bực dọc và khó chịu khi người ta nói bố mẹ tôi trốn nợ, trong khi bố mẹ đã trả gần như hết cho mọi người, ai đó còn thì là người rất thân và nhận trả lãi hàng tháng. Tôi dần biết được mọi người xung quanh ai tốt thật, ai giả vờ tốt với nhà mình. Chưa bao giờ to tiếng với ai nhưng có lần tôi đã định đi cãi nhau tay đôi với bác hàng xóm vì nói không thành có. Tôi đã không làm thế vì cô chủ nhiệm lớp 9 bảo tôi rằng: “Em không được làm như thế. Người ta sẽ có cớ để nói em rằng bố mẹ không có nhà, không có ai dạy”. Những ấm ức, tủi thân có, uất ức có nhưng không bao giờ tôi kể. Bố mẹ cũng nhiều việc phải lo rồi, chỉ một mình biết vậy và mím môi khóc mỗi đêm.
Cuộc sống cứ trôi, tôi dần thu mình lại. Thế giới của tôi lúc đó chỉ vẻn vẹn có hai em, nấu bữa tối thật ngon cho chúng nó và ôm chúng ngủ. Dù ở nhà có chuyện gì, tôi cũng: “Cứ để con lo. Con lo được, bố mẹ yên tâm”. Và cứ thế, tôi chỉ tiếp xúc với vài người thân trong nhà và bơ mọi thứ xung quanh.
Thấm thoát cũng hơn bảy năm, cô bé ngày nào đã bắt đầu đi làm. Tôi vẫn nhìn đời màu hồng rằng sẽ vẫn có những người tốt. Nhưng tôi vẫn không thể mở lòng, vẫn gặp khó khăn trong việc giao tiếp và thân hơn với đồng nghiệp ở môi trường mới. Đặc biệt, tôi vẫn chưa giao tiếp được với bố mẹ, vẫn tủi thân mà chẳng thể dũng cảm chia sẻ với bố mẹ suy nghĩ của mình.
Tôi bắt đầu làm việc ở Thái Minh. Thời gian thử việc làm tôi stress vô cùng. Chị trưởng phòng không nhắc nhở gì ngoài một lần mắng cho vài câu, sau chị lại xoa dịu. Nhưng cái sự không nhắc nhở ấy mới làm tôi stress, khi đến kì đánh giá hết thử việc cũng không thấy chị nói gì và những câu hỏi vì sao xuất hiện: mình vẫn làm chưa tốt ư???
Qua thử việc, tôi vẫn phải cố gắng rất nhiều để theo kịp mọi người. Rồi năm đó, tôi được tham gia chương trình Thái Minh siêu đẳng ở Ba Vì. Tôi vẫn thích gọi đó là “Trại cải tạo” hơn. Ở đó, tôi cùng cả nhóm cố gắng vượt qua các thử thách. Tôi vẫn rất tự hào vì đội toàn “anh già” và các em “thiếu nhi” nhưng luôn là đối thủ đáng gờm của các đội khác. Cũng có nhiều trò chúng tôi về nhất. Mỗi ngày, tôi đều có những trải nghiệm và những điều muốn đứng lên chia sẻ với mọi người trong buổi tổng kết. Nhưng không, tôi vẫn chỉ dừng lại ở suy nghĩ.
Bạn nghĩ tôi có thất vọng về mình không? – Có chứ.
Ngày cuối cùng, dặn lòng sẽ lấy hết dũng cảm và quyết tâm giơ tay phát biểu vì có quá nhiều điều muốn nói. Nhưng không, lúc đó, tôi lại đứng im và trống rỗng. Anh Hùng động viên: Dũng cảm lên nào, giơ tay lên chia sẻ đi các em! Và lúc báo người cuối cùng, tôi cũng đánh liều giơ tay.
Người ta bảo “liều ăn nhiều”. Đến giờ, tôi cũng chẳng biết mình có được gì nhiều hơn không. Nhưng có một điều, đó là lần đầu tiên sau hơn bảy năm, tôi lại dũng cảm đứng trước nhiều người và chia sẻ suy nghĩ của mình. Dù cho lúc đó thấy ý mình trình bày bị lủng củng và khi nghe ai đó bên dưới nói: “Lại sắp khóc rồi” thì tôi lại chẳng nghĩ được gì tiếp và quyết không khóc. Mà thực ra không khóc trước mặt mọi người là điều tôi vẫn làm mà.
Sau lần ấy, tôi có một nhóm bạn- là các anh chị trong công ty và tôi là người nhỏ tuổi nhất. Mọi chuyện bắt đầu tốt lên. Tôi giao tiếp nhiều hơn với các anh chị không thuộc phòng mình. Tôi quan sát cách mọi người thể hiện cảm xúc và chia sẻ với nhau. Tôi học lại những cảm xúc. Tôi nhận được sự quan tâm, khích lệ và yêu thương vô điều kiện từ các anh chị. Và tôi không còn cảm thấy mình cô đơn.
Tôi bắt đầu học cách tâm sự và chia sẻ quan điểm với bố mẹ. Và lần đầu tiên sau gần 8 năm, tôi bật khóc nức nở khi thấy mình quá mệt. Mệt vì áp lực công việc mình đặt ra. Mệt vì cố gắng thế nào vẫn không hài lòng được những người thân ở nhà. Mệt vì tủi thân. Ồ.. khóc xong tôi lại thấy mình thật nhẹ nhõm và hạnh phúc. Vì tôi tưởng rằng mình sẽ chẳng bao giờ khóc to được như thế nữa. Buồn cười nhỉ!?
Đó là bước ngoặt đầu tiên giúp tôi tìm lại bản thân mình. Đến giờ, khi ngồi nhớ lại những ngày ấy, tôi vẫn thấy mình thật may mắn khi có duyên với nơi này. Cám ơn Thái Minh với hành trình 10 năm với sứ mệnh Mang thuốc tốt đến cho đời. Và trong hành trình ấy, vị thuốc “gia đình” đã giúp tôi chữa lành những tổn thương và có những năm tháng thanh xuân với nhiều màu sắc tươi sáng.
Xin cám ơn và chúc Thái Minh sang tuổi mới sẽ luôn vững vàng và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!
Mãi yêu!
Trần Thị Quỳnh – Nhân viên Chăm sóc khách hàng