Y học cổ truyền đã điều trị bệnh lý khớp hàng ngàn năm nay và đã được ghi lại trong các sách: Nội kinh, Hải thượng Y tôn tâm lĩnh… Trong đó, những bài thuốc điều trị bệnh lý khớp như: Độc hoạt tang ký sinh, Khương hoạt thắng thấp thang, Tam tý thang, Quyên tý thang, Phòng phong thang… đều có chứa vị độc hoạt.
Bệnh lý khớp
Bệnh lý khớp là những căn bệnh đứng đầu hiện nay. Theo thống kê tại các bệnh viện thì bệnh xương khớp không còn là căn bệnh của người già nữa mà đã xuất hiện rộng rãi ở mọi lứa tuổi. Khi tổn thương khớp thường khó lành lại và sẽ khó có thể phục hồi, di chứng nặng nề từ các bệnh này để lại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt bình thường của người bệnh. Các bệnh xương khớp thường gặp nhất hiện nay:
Viêm khớp:
Đây là bệnh lý rất phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tình trạng viêm xảy ra chính là cơ chế tự vệ của cơ thể trước sự xâm nhập của các yếu tố bên ngoài như: chấn thương hoặc bên trong như di truyền, nhiễm trùng, chuyển hóa của bệnh gút… Khi mắc phải các chứng viêm khớp này thì người bệnh sẽ nhận thấy những biểu hiện như: sưng, nóng, đỏ, đau, cứng khớp. Có rất nhiều dạng viêm khớp khác nhau, tuy nhiên một số dạng thường gặp, như: viêm khớp dạng thấp, thấp khớp cấp, bệnh gút, viêm cột sống dính khớp… Viêm khớp lâu ngày có thể dẫn đến đau nhức, mất khả năng vận động hoặc thậm chí bị tàn phế.
Thoái hóa khớp:
Bao gồm thoái hóa các khớp và thoái hoá cột sống là bệnh lý rất thường gặp ở người, đặc biệt người có tuổi; là quá trình lão hóa của các tế bào và tổ chức quanh khớp đặc biệt là sụn khớp, kết hợp với tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp. Tổn thương cơ bản của thoái hóa khớp là tổn thương sụn khớp hoặc đĩa đệm cột sống.
Thoái hóa cột sống thường xảy ra tại hai vị trí là cột sống cổ và cột sống thắt lưng, là tổn thương các đĩa đệm cột sống gây kích thích các nhánh thần kinh ở vùng dây chằng sau cột sống. Bệnh chính là kết quả của việc thoái hóa do nhiều yếu tố tác động hình thành trong một quá trình dài gây ra. Đồng thời khi đó, các dây chằng giảm dần độ đàn hồi, bị dòn, cứng, phình to, chất vôi lắng đọng bên trong gây chèn ép các rễ thần kinh sinh ra các cơn đau kéo dài làm cho người bệnh mất khả năng đi lại và sinh hoạt hàng ngày.
Khớp gối là khớp thường gặp phải các thương tổn nhiều nhất, vì toàn bộ trọng lượng cơ thể đều dồn xuống khớp gối, cộng thêm với việc hoạt động nhiều đi lại sẽ gây tổn thương sụn khớp. Khi đó bề mặt của khớp bị mất dần khiến cho chức năng của khớp tiêu giảm, dẫn đến khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày và gây đau nhức, nhất là trong thời tiết lạnh.Các khớp chịu ảnh hưởng thường nằm ở những vị trí chịu đựng tải trọng của cơ thể như: khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân. Trường hợp nặng nhất đối với thoái hóa khớp đó là khi phần sụn bị vỡ ra và mối liên kết này bị tiêu biến làm tăng sự cọ xát giữa các xương, gây giãn dây chằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cử động và di chuyển, thậm chí là tàn tật.
Thành phần, tác dụng của độc hoạt.
Y học cổ truyền không có các bệnh danh về khớp như y học hiện đại. Nhưng các bệnh lý ở khớp như: sưng khớp, đau khớp, biến dạng khớp được y học cổ truyền mô tả trong phạm trù các chứng hậu như: chứng tý, tích bối thống, hạc tất phong…
Trong các bài thuốc điều trị bệnh lý về khớp, độc hoạt trong một bài thuốc như là vị chủ dược, với tác dụng giảm đau ngoài ra còn có tác dụng chống viêm.
Độc hoạt:
Dược lý hiện đại:
– Thuốc có tác dụng giảm đau, an thần và kháng viêm rõ rệt.
– Thuốc nước và thuốc sắc độc hoạt đều có tác dụng hạ áp rõ rệt nhưng thời gian duy trì ngắn. Độc hoạt chích tĩnh mạch có tác dụng hưng phấn hô hấp. Độc hoạt còn có thành phần có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu trên ống nghiệm.
– Thuốc có thành phần chống loét bao tử, chống co thắt hồi manh tràng.
Công dụng và liều dùng:
– Các khớp đau và lưng gối đau nhức bất kể đau lâu hay mới đau; đau đầu, đau răng. Những người âm hư hỏa vượng không dùng được.
– Liều dùng ngày từ 3 – 6g, dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Theo y học cổ truyền, độc hoạt có tác dụng điều trị tốt các chứng đau từ thắt lưng trở xuống, như: đau lưng, đau khớp… bất kể đau lâu hay mới đau. an thần, kháng viêm, hạ áp và ức chế ngưng tập tiểu cầu. Ngoài ra, còn có tác dụng chống co thắt hồi tràng, chống loét bao tử, ngừa hoại tử đầu xương đùi.
BS. LÝ MINH KIỆT