TS. Võ Thụy Lữ Tâm: “Tôi trở về vì một giấc mơ thuốc Việt dành cho người Việt”

Với hơn 15 công bố quốc tế, gần 10 năm học tập – nghiên cứu tại Hàn Quốc, từng nghiên cứu sau tiến sỹ tại Đại học Keimyung (Hàn Quốc), TS. Võ Thụy Lữ Tâm đã chọn quay về Việt Nam để phát triển phòng thí nghiệm sinh học tại Viện Nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam – trực thuộc Dược phẩm Thái Minh. Quyết định này được chị gọi là “sự chọn lựa của trái tim”, và cũng là hành trình thực hiện sứ mệnh làm thuốc cho chính người Việt.

Hành trình đi lên từ mất mát, tiếp nối bằng khát vọng khoa học

Chị có thể chia sẻ hành trình học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc, cũng như những bước ngoặt đưa chị đến với con đường khoa học chuyên sâu?

Tôi bắt đầu học thạc sĩ năm 2012 tại Đại học Quốc gia Seoul. Lúc đó, mọi thứ đều rất bỡ ngỡ vì khoảng cách giữa lý thuyết mình học ở Việt Nam và thực tiễn nghiên cứu tại Hàn Quốc là một trời một vực. Tôi học chuyên ngành Neuroscience (khoa học thần kinh), nhưng sau đó chuyển sang nghiên cứu về tế bào ung thư – căn bệnh mà tôi nhận ra là một trong những nan y lớn nhất của thế giới hiện đại.

Tiến sĩ Võ Thụy Lữ Tâm tại khuôn viên Đại học Quốc gia Seoul (SNU), nơi chị hoàn thành chương trình tiến sĩ và bắt đầu hành trình nghiên cứu chuyên sâu về sinh học ung thư

Tôi học thạc sĩ xong năm 2014, một buổi sáng đi từ ký túc xá lên phòng lab, tôi bất chợt thấy tiếc nếu mình rời khỏi nơi này khi còn những đề tài dở dang. Tôi nhắn tin cho giáo sư hướng dẫn và xin được học tiếp lên tiến sĩ để hoàn thiện nghiên cứu về vai trò của một loại protein điều hòa chu kì tế bào ung thư. Rất may, thầy đồng ý.

Điều khiến tôi quyết tâm học tiếp là vì chính giáo sư hướng dẫn của tôi – một người bị ung thư nhưng vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu. Ông ấy không chỉ là một nhà khoa học giỏi mà còn là người truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày. Và đến tận khi tôi tốt nghiệp năm 2017, giáo sư vẫn còn sống và tiếp tục làm việc – điều đó khiến tôi tin vào sự tiến bộ của y học và càng thôi thúc tôi học hỏi để mang điều gì đó trở về quê hương.

Người thầy hướng dẫn – giáo sư đầu ngành về ung thư, cũng chính là nguồn cảm hứng lớn trong hành trình nghiên cứu của chị

Đâu là lý do khiến chị chọn gắn bó sâu sắc với nghiên cứu ung thư và phát triển thuốc sinh học?

Tôi có ba lý do rất cá nhân. Thứ nhất, mẹ tôi mất vì ung thư máu khi tôi học lớp 11. Chính cú sốc ấy đã khiến tôi chọn thi ngành Dược. Thứ hai, trong thời gian học đại học, tôi được truyền cảm hứng rất lớn từ PGS. TS. Trần Thu Hoa – người dạy môn sinh học phân tử. Cô đã đưa tôi vào nhóm nghiên cứu, trao cho tôi cơ hội được trình bày tại hội thảo khoa học từ khi còn là sinh viên năm ba. Nhưng thật tiếc, sau đó cô cũng mất vì ung thư phổi.

Cuối cùng là câu chuyện của chính giáo sư hướng dẫn tôi ở Hàn Quốc – người đã chiến đấu với ung thư trong hơn 10 năm nhưng vẫn không từ bỏ nghiên cứu. Ba con người, ba câu chuyện, ba động lực đã đưa tôi đến với con đường mà tôi đang đi.

"Tôi trở về vì không muốn người khác làm thay điều Việt Nam có thể tự làm"

Chị đang có sự nghiệp ổn định tại Hàn Quốc, điều gì khiến chị quyết định quay về Việt Nam?

Ở Hàn Quốc, tôi có một vị trí tốt trong phòng lab. Nhưng tôi luôn đau đáu khi thấy các nhóm nghiên cứu tại Hàn lại đang dùng cây thuốc Việt Nam để nghiên cứu. Họ nhập dược liệu từ Việt Nam, mang sang làm thử nghiệm, đánh giá tác dụng sinh học. Trong khi đó, Việt Nam mình có đầy đủ điều kiện: dược liệu phong phú, bệnh phẩm sẵn có, nhưng lại không ai tận dụng để làm nghiên cứu sâu.

Tôi từng hỏi các bác sĩ trong nước về bệnh phẩm sau phẫu thuật – họ bảo thường thì bỏ đi thôi. Tôi thấy đó là một sự lãng phí rất lớn. Đó là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu sâu về cơ chế bệnh tật ở người Việt và phát triển những loại thuốc phù hợp cho chính bệnh nhân Việt Nam – cũng chính là lý do tôi quyết định trở về sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài.

Chị có gặp “cú sốc” nào khi quay về làm việc tại Việt Nam sau nhiều năm ở nước ngoài không?

May mắn là tôi được làm việc với anh Phạm Hà Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Sâm và Dược liệu Việt Nam – người cũng từng học tại Hàn Quốc. Anh ấy rất hiểu tư duy làm khoa học và tạo mọi điều kiện cho tôi setup phòng lab. 

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch Tập đoàn Thái Minh –  cũng là một người đang theo đuổi con đường tiến sĩ trong nghiên cứu ung thư. Ngay từ lần đầu tiên gặp anh Thái, nghe anh chia sẻ: “Anh muốn làm một loại thuốc điều trị ung thư giá rẻ cho người Việt". Ngay khi nghe câu nói ấy, tôi không còn do dự về việc trở về Việt Nam làm nghiên cứu. Tôi đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ lãnh đạo Tập đoàn, Công ty và Viện trưởng – từ việc đầu tư thiết bị hiện đại đến tạo điều kiện tối đa để mua sắm hóa chất, dù ở Việt Nam điều đó vẫn còn nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Võ Thuỵ Lữ Tâm cùng ông Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Thái Minh 

Tháng 4 năm 2025, chị Tâm chính thức trở về Việt Nam, đảm nhiệm vai trò Quản lý Phòng Nghiên cứu Sinh học và Lâm sàng tại Viện Sâm và Dược liệu Việt Nam, được đầu tư bởi Thái Minh Hi-Tech và Dược phẩm Thái Minh để phát triển các sản phẩm từ dược liệu bản địa bằng nền tảng khoa học hiện đại.

 

"Muốn phát triển thuốc, phải bắt đầu từ sinh học phân tử"

Từ kinh nghiệm ở Hàn Quốc, chị đánh giá như thế nào về sự khác biệt giữa hai nền khoa học dược?

Hàn Quốc đã phát triển mạnh về sinh học tế bào và nghiên cứu tiền lâm sàng. Họ không chỉ đánh giá tác dụng ở mức độ tế bào mà còn trên động vật và đưa vào các pha lâm sàng. Có những loại thuốc ung thư như PARP-inhibitor đã được FDA Mỹ phê duyệt. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn tiếp cận, vẫn còn làm ở mức cơ bản và chưa có nhiều công trình đi sâu.

Khó khăn lớn nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu: hóa chất, thiết bị đều phải nhập khẩu với chi phí cao và thời gian rất lâu. Có loại hóa chất chờ 2-3 tháng mới về, dẫn đến việc nghiên cứu bị chậm trễ cả năm. Ngoài ra, cơ sở được phép thử nghiệm trên động vật hay mô hình sống cũng rất ít – điều đó gây quá tải và hạn chế cho các nhóm nghiên cứu mới.

Chị và phòng lab hiện có chiến lược gì trong việc phát triển thuốc từ dược liệu bản địa không?

Chúng tôi đang tập trung vào sâm Việt Nam – loại dược liệu có hoạt chất ginsenoside khác biệt với sâm Hàn. Trong khi sâm Hàn đã được đánh giá kỹ về tác dụng chống viêm, chống ung thư, thì sâm Việt vẫn còn là một ẩn số. Đây là hướng đi trọng điểm để định vị giá trị sâm Việt trên bản đồ dược liệu thế giới.

Kỳ vọng của chị về phòng thí nghiệm sinh học trong 5–10 năm tới là gì?

Phòng thí nghiệm với định hướng phát triển về sàng lọc và thử nghiệm trên tế bào, sẽ mở ra những cơ hội mới với các định hướng tác dụng sinh học rất bài bản, từ những nghiên cứu nhỏ ở cấp độ tế bào, từng bước nâng lên thành những nghiên cứu tiền lâm sàng và định hướng tương lai là nghiên cứu lâm sàng.

Mỗi thí nghiệm là một bước tiến nhỏ trong hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển thuốc từ dược liệu Việt – Tiến sĩ Võ Thụy Lữ Tâm tại phòng lab Thái Minh

Tôi tin rằng, nếu làm đúng và đủ, phòng lab chúng tôi đang phát triển có thể trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu sinh học hàng đầu Việt Nam – nơi cho ra các dữ liệu sinh học tin cậy để đưa thuốc mới vào pha thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng. Nếu làm được điều đó, ngành dược Việt sẽ có thể tự chủ hơn về công nghệ và sản phẩm.

"Đừng quên lý do mình bắt đầu"

Theo chị, điều gì là chất xúc tác để một nhà nghiên cứu trẻ không bỏ cuộc?

Đương nhiên là cần kiên nhẫn – vì làm 10 thí nghiệm thì 9 cái thất bại là bình thường. Nhưng trên hết là đam mê. Và điều quan trọng nhất là môi trường – nếu không có nơi để phát huy năng lực, thì giỏi mấy cũng khó bền.

Chị muốn nhắn gửi điều gì đến các bạn trẻ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học?

Tôi không có lời khuyên cụ thể vì mỗi một người trải qua hoàn cảnh khác nhau sẽ có trải nghiệm khác nhau. Tuy nhiên khi mà các bạn gặp thất bại thì các bạn khoan hãy bỏ cuộc,  hãy thử cố gắng thêm một lần nữa và hãy nhớ lí do tại sao mình bắt đầu. Đó là động lực lớn nhất giúp bạn vượt qua mọi khó khăn.

Cập nhật lúc: 2025/07/04