Bắt đầu chơi trống ở tuổi “cuối ba đầu bốn”, anh Nam rèn được nhiều điều từ bộ môn thật khó nhằn này. Để giờ đây, anh đã chinh phục và thực sự yêu bộ môn trống.
Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Thành Nam – Phó ban Nhân sự Hệ thống bén duyên với trống một cách tình cờ nhờ giúp hai con tìm hiểu bộ môn âm nhạc này. Anh dẫn các con đi tầm sư học đạo và tập cùng con luôn. Những người thầy anh tìm cho con là những người bạn, người anh đã từng có một thời tuổi trẻ cuồng nhiệt với Rock Sinh viên từ những năm 1996-1998. Họ truyền tình yêu trống cho các con rồi anh cũng bị ngấm dần. Sau đó, anh Nam quyết định mua luôn một bộ trống cho các con tập ở nhà. Ở thời điểm gần tứ tuần mới bắt đầu học đánh trống, anh Nam cũng không dám chắc đam mê hay yêu thích thức sự. Nhưng tình yêu cũng từ đó mà ra. Sau hai năm kiên trì, khổ luyện và kỷ luật luyện tập, anh rèn được nhiều thứ từ bộ môn “khó nhằn” này và giờ thực sự yêu nó. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, anh dành tối thiểu một giờ để chơi trống.
Nói về động lực để học một bộ môn khó nhưng không kém phần thú vị, anh Nam cho rằng đó là niềm vui khi được đồng hành cùng các con. Anh giải thích: “Mình cũng đã từng học chơi đàn ghi-ta từ hồi sinh viên nhưng chẳng đến đầu đến đũa, một phần vì không hợp và phần lớn là thiếu niềm vui ở đây các con chính là niềm vui. Có thể nếu các con học đàn, mình cũng sẽ học đàn. Vậy ra niềm đam mê, sự yêu thích không cứ phải đến từ một cái gì đó mang tính sâu thẳm hay bẩm sinh. Đối với mình, nó xuất phát từ tình yêu và niềm vui với con”. Thời gian đầu, những khó khăn mà anh gặp phải là ba bố con tập lung tung, mỏi tay, mỏi chân, nghe không đúng giai điệu… Nhưng rồi sau mỗi buổi học, những cái mới cũng xuất hiện. Sự tiến bộ làm ba bố con ham hơn. Hành vi then chốt là hàng ngày luyện tập đúng khung giờ. Cả nhà hẹn nhau đúng giờ lên tập, rồi cùng nhau chia sẻ bộ tài liệu luyện. Theo anh Nam, đồng đội là các con cộng thêm sự ủng hộ của bà xã và niềm vui lành mạnh là động lực lớn nhất giúp mọi việc thật nhẹ nhàng.
Thời gian chơi trống của anh các ngày trong tuần thường cố định từ 18h-19h sau khi đi làm hoặc từ 20h-21h nếu còn thời gian hoặc có việc đột xuất về muộn. Từ 21h đến hôm sau, đặc biệt toàn bộ Chủ Nhật anh dành cho gia đình. Nếp sinh hoạt này đã trở thành thói quen mặc nhiên. Công việc của một Phó ban Hệ thống Nhân sự của cả tập đoàn rất bận rộn, có lúc ảnh hưởng tới đam mê nhưng anh Nam luôn tìm cách để sắp xếp chơi trống hàng ngày. Anh bảo: “Nếu yêu ta có cách!”. Tình yêu ấy anh dành cho công việc mình đang làm, gia đình, và trống.
Biết anh Nam chơi trống, đồng nghiệp cho rằng, anh là người “cá tính” vì thường thì biết chơi một nhạc cụ đã khó, trống lại không phải là một nhạc cụ phổ thông và đắt đỏ. Anh Nam thì nghĩ rằng: “đắt đỏ là có lý vì để giá trị của bộ trống thường lớn hơn so với một số loại nhạc cụ phổ thông khác như đàn ghi-ta. Tuy nhiên nếu lên hàng cao cấp thì môn nào cũng có hàng cao cấp đắt đỏ cả”. Còn về cá tính của người chơi, anh thấy cũng không hẳn vậy bởi khi chơi trống một thời gian, có kiến thức và tìm hiểu sâu thì thấy thật bình thường, Khi đó, nhiều bạn chơi ghi-ta cũng thật ngầu và cá tính, chơi được đa dạng. Còn trống thường chỉ chơi được khi theo band, mang vác di chuyển cồng kềnh”.
Anh Nam là người hướng nội nên trống trở thành một thế giới riêng, “rất riêng” của anh sau một ngày làm việc. Không đơn thuần là một môn thể thao hay chơi một bản nhạc yêu thích mà đó còn là cả thế giới khác. Bỏ tất cả bên ngoài, bao gồm cả cuộc sống, công việc và gia đình. Anh Nam sở hữu một không gian riêng bất khả xâm phạm với tiếng trống. Anh được “sạc” năng lượng để tiếp tục làm việc, yêu thương, chăm sóc gia đình. Cũng bởi những điều trên mà anh thấy sở hữu một đam mê ngoài công việc có vô vàn cái lợi. Dù có mất chút thời gian nhưng hoàn toàn xứng đáng để bỏ công sức. Giờ đây, anh còn đầu tư tiếp một bộ trống ở công ty để cùng luyện tập với anh em cùng sở thích và lan toả niềm đam mê tới đồng nghiệp. Anh Nam muốn truyền một thông điệp ý nghĩa rằng: không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một đam mê.