Chị Dung ơi chị nấu ăn thế nào mà em vào công ty vài ngày đã tăng cân. Chết em rồi!
Chị Dung ơi đề nghị chị nấu ăn bớt ngon để em giảm cân nhé, về nhà chồng không nhận ra vợ, con không nhận ra mẹ vì giờ em lăn nhanh hơn đi.
Đó là một số câu điển hình mà chị Phùng Thị Dung thường gặp trong thời gian nấu ăn tại Thái Minh. Mỗi lần như thế chị chỉ biết cười trừ. Nói là nghiệp cũng đúng vì người ta giận chị Dung ghê lắm, lý do là… chị nấu ăn ngon!
Nhiều người hạ quyết tâm bỏ chị Dung…đi ăn ngoài nhưng rốt cuộc tiếng gọi của dạ dày vẫn chiến thắng và buộc họ phải quay về nhà ăn tầng 7.
Ai làm nội trợ sẽ hiểu việc nghĩ tối nay ăn gì cũng có thể gây stress đến mức nào. Ở nhà có thể nay ngon mai bình thường chút. Nhưng người làm dâu trăm họ như chị Dung thì phải giữ phong độ ổn định không là dính chê trách ngay. Chị không sợ những lời chê bai nhưng cái tâm của một người đầu bếp không cho phép chị làm vậy. Chị Dung kể có lúc về nhà cứ nghĩ vẩn vơ xem ngày mai nấu món gì. Trước đây chị thường lên thực đơn theo tuần nhưng khá bị động bởi thực phẩm hôm có hôm không. Thế là để cơ động hơn chị lên thực đơn theo ngày. Ấy thế mà có lần sáng hôm sau chị vẫn phải đổi món vì thời tiết nóng bức. Đích thân đến siêu thị lấy đồ chị sẽ chọn được đồ tươi ngon trong ngày vì thế chất lượng món ăn được đảm bảo.
Số lượng nhân viên tăng lên đồng nghĩa với việc khối lượng công việc của chị Dung cũng lớn hơn. Lên tới bếp là chị hoạt động hết công suất, bày món ra các bàn rồi là lại chạy về bếp luôn để làm tiếp. Chị thấy việc này không khác chơi teambuilding là mấy, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa lo lắng xem team mình có kịp về đích không. Đau tim nhất là khi mọi người ùn ùn kéo lên mà vẫn còn một món chưa xong. Lúc đó chị chỉ ước có cái bếp thần kì để nấu chín ngay và luôn. Thường thì chị Dung sẽ đợi mọi người ăn uống xong xuôi rồi mới ăn. Chị bảo trưa ăn ít nên đợi việc hòm hòm ăn cũng ngon hơn. Nhiều người bảo chị ngồi cùng luôn cho vui nhưng tính chị là thế, việc chưa xong thì ăn chưa ngon. Cũng chính vì vậy mà thỉnh thoảng chị quên ăn sáng hay ăn một bát mì phải nhấp nhổm đứng lên tới năm bảy lần. Chị đùa: “cho ngồi không một chỗ ăn thì không vào vì tính lúc nào cũng lo việc”
Quay lại đoạn hội thoại lúc đầu, biết là được mọi người khen ngợi nhưng trong thâm tâm chị Dung còn lăn tăn nhiều điều. Có lần toàn công ty đánh giá chất lượng dịch vụ nhà bếp, chị nhận được duy nhất một điểm 6,5 còn lại là 9, 10. Ấy thế mà chị không thấy vui. Chị sợ những lời khen làm chị giậm chân tại chỗ, khiến mình ngủ quên trên chiến thắng. Chị mong muốn nhận được những nhận xét thẳng thắn từ anh chị em như mấy hôm nay chị nấu mặn quá, chị cho đồ luộc nhiều hơn xào nhé…Hôm nào thức ăn thừa nhiều là chị biết có điều gì đó không ổn và tự động điều chỉnh ngay. Chị kể công việc cứ đều đều như thế nhưng hôm nào thấy người mệt mỏi vẫn cố gắng đi làm vì đến công ty là thấy người khỏe ngay, chứ ở nhà sẽ mệt nguyên cả ngày. Đó cũng là lý do chị gắn bó với Thái Minh hơn 4 năm nay. Thái Minh là ngôi nhà thứ hai, nơi các sếp luôn quan tâm nhân viên, mọi người được đối xử bình đẳng, môi trường trẻ trung, vui vẻ, hòa đồng vì thế chị chỉ muốn yêu mãi thôi.
Vào buổi sáng, sớm thì 6h15, muộn thì 6h30 là chị Dung ra khỏi nhà. Chồng con lúc ý có khi vẫn còn đang ngủ. Điều duy nhất chị làm được cho mấy bố con là ủi quần áo phẳng phiu. Nếu muốn ăn ngoài thì ba bố con tự túc còn nếu muốn ăn món gì mẹ nấu thì con sẽ phải dặn mẹ trước. Cháu lớn đã học cấp 3 nên có thể tự lo liệu. Cháu bé thì bố sẽ tết tóc, sắp xếp để đưa đón con đi học. Hôm vừa rồi đi du lịch với công ty, đích thân anh chở chị ra ga Hà Nội. Chiều về chị có nhắn anh không cần đón nhưng 6h sáng anh đã có mặt và nhắn tin “bố đang ở ga rồi nhé”. Hồi còn làm nửa ngày chị hay tranh thủ về nhà bà ngoại ở Xuân Mai chơi rồi lên trong ngày. Vì thế cuối tuần cả nhà ở lại Hà Nội và cũng ít về ngoại hơn. Thế mà chồng chị phản đối ngay. Lý do là vì không cho cháu, con rể về thăm bà thì tình cảm sẽ dần phai. Xa mặt cách lòng, chồng bảo chị hạn chế về giữa tuần để cuối tuần cả nhà cùng về. Sợ vợ mệt và vất vả nên anh không muốn chị phải làm thêm. Vì thế có hôm chị ở lại hỗ trợ phòng Hành chính nhân sự nhưng đành phải nói dối đi thăm bà đẻ để chồng bớt lo. Chị bảo phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng và chị thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chị hạnh phúc vì chồng hiểu đặc thù công việc của mình nên luôn chia sẻ và cảm thông. Cách chị ghi nhận chồng con là đối xử tốt với hai bên nội ngoại để mối quan hệ trong gia đình luôn tốt đẹp.
Thôi thì đã mang lấy nghiệp vào thân, hàng ngày chị Dung vẫn “phải” mang lại bữa ăn ngon cho người Thái Minh mà để ngoài tai những lời “trách yêu” như thế.
Bình Nguyên