Từ khi vườn sâm Lai Châu trên cao nguyên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) được thành lập, những bản làng nơi đây như thay da đổi thịt, bà con người Mông có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị cũng là nội dung quan trọng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trồng sâm - sinh kế ổn định cho người H'Mông
7h sáng, anh Giàng Sùng Páo, một người dân H'Mông tại bản Sảng Phìn đã có mặt tại vườn sâm. Công việc của anh Páo hôm nay là làm đất cho vườn sâm một tuổi (mới ươm hạt).
Đã gần một năm nay, anh không phải vào rừng từ sáng sớm tới tối khuya, dầm mưa dãi nắng mà ngày làm việc 8 tiếng theo giờ hành chính trong nhà màng trồng sâm.
Anh Páo cho hay: "Trước khi trồng sâm, tôi đi trồng ngô, trồng lúa, nuôi trâu, nuôi bò, mỗi cái làm một ít tuy nhiên bán cũng không được giá, thu nhập chẳng đáng là bao. Từ khi làm việc trong vườn sâm thì cuộc sống ổn định hơn, tôi mua được xe máy mới, ba đứa con ở nhà đều được đi học đầy đủ".
Theo lời kể của chị, trước đây gia đình chỉ trồng lúa, ngô, thỉnh thoảng lên rừng đào sâm nhưng cũng chạy ăn từng bữa. Từ khi làm việc tại vườn sâm, chị Sua có thu nhập cải thiện hơn, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị thêm nhiều niềm vui, con cái được học hành đầy đủ.
Anh Páo hay chị Sua chỉ là hai trong số rất nhiều bà con người Mông tại địa phương có đời sống kinh tế khá giả hơn sau khi đi trồng sâm. Bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu gần một năm nay như thay da đổi thịt. Hơn một nửa số nhà ở đây có mái mới, xe máy mới, nhiều vật dụng trong nhà được sắm sửa khang trang.
Từ chỗ thỉnh thoảng đào được cây sâm trong rừng mang bán, nay người dân nơi đây coi cây sâm là một phần của cuộc sống.
Thành công nhờ mô hình "4 nhà"
Theo sát bà con từ những ngày đầu trồng sâm cho đến nay, ông Giàng A Tùng - Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, chia sẻ, từ khi có cây sâm, bức tranh kinh tế của xã Sà Dề Phìn nói riêng, huyện Sìn Hồ nói chung có nhiều thay đổi rõ rệt.
Bà con người Mông đi trồng sâm có kinh tế ổn định hơn, con cái cũng được chăm lo học hành đầy đủ.
Cũng theo ông Tùng, vùng trồng sâm của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh (Thái Minh Farm) đang trồng khoảng 2ha sâm. Đây chính là điển hình tiêu biểu cho liên kết "4 nhà" (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông) nhằm đảm bảo lợi ích, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
"Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư mở rộng từ 2ha lên 20ha. Vườn trồng sâm sẽ áp dụng nông nghiệp công nghệ cao với nhà màng và đất tự trộn, giúp kiểm soát 99% các yếu tố dịch bệnh, côn trùng và độ ẩm...", ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch HĐQT công ty CP Dược phẩm Thái Minh cho biết, trước lời kêu gọi của UBND tỉnh Lai Châu, đã quyết định thành lập công ty hướng đến mục tiêu đưa cây sâm Lai Châu trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thay đổi đời sống và thu nhập cho đồng bào dân tộc vùng cao.
"Với thế mạnh về kênh phân phối, sản xuất, chúng tôi kỳ vọng sẽ biến nơi này thành vùng trồng những loài cây dược liệu có giá trị, đảm bảo an ninh dược liệu và gia tăng giá trị kinh tế-xã hội cho bà con vùng cao. Đồng thời, giúp phát triển kinh tế địa phương và đưa cây sâm Lai Châu trở thành loài cây thế mạnh xứng danh với danh hiệu "quốc bảo" của Việt Nam", ông Thái nhấn mạnh.
Theo Dân trí