Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 27/3, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề "Thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Cơ hội và giải pháp". Hội nghị là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học thuộc các viện chuyên ngành trao đổi, thúc đẩy hợp tác đa ngành trong hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ; Đây cũng là dịp để kết nối mạng lưới giữa các nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp – địa phương, nhằm tìm kiếm các giải pháp đưa các công trình nghiên cứu khoa học đến gần hơn với thực tiễn đời sống và sản xuất.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp khoa học công nghệ, ông Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Thái Minh đã có bài tham luận chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thương mại hóa thành công các công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hợp tác giữa doanh nghiệp và giới nghiên cứu.
Đại diện các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp tham dự Hội nghị
Ông Thái nhấn mạnh bối cảnh hiện tại của Việt Nam với cơ hội phát triển lớn trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được xem là một cú hích lớn cho sự phát triển khoa học công nghệ, bởi việc đẩy mạnh ứng dụng sẽ mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Ông cũng chỉ ra nhu cầu lớn của khối doanh nghiệp tư nhân đối với việc ứng dụng công nghệ mới và các nghiên cứu mới. Bản thân công ty Thái Minh từ nhiều năm nay đã thay đổi chiến lược, đi theo định hướng “Tiên phong khoa học” để phát triển. Doanh nghiệp không chỉ coi nghiên cứu khoa học là nền tảng để nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn xem đây là chiến lược phát triển dài hạn và bền vững.
Minh chứng rõ nét cho định hướng "Tiên phong khoa học" là sự thành công trong việc chuyển giao các công trình nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực y sinh học và hợp chất thiên nhiên thành những sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, tiêu biểu như CurmaGold – với công nghệ nano giúp đưa phân tử curcumin tới kích thước nano ; nghiên cứu chiết xuất và phân lập hoạt chất KGA1 từ cây Địa liền của PGS.TS. Lê Minh Hà đã tạo ra sản phẩm hỗ trợ điều trị xương khớp Khương Thảo Đan; hay HeviHo – sản phẩm từ nghiên cứu chiết xuất hoạt chất S3-elebosin từ cây sâm đại hành. Các sản phẩm này đều đã được thị trường đón nhận mạnh mẽ, minh chứng cho hiệu quả chuyển giao bền vững, với thời gian thương mại hóa kéo dài từ 8 đến 12 năm. Đây không chỉ là thành quả của quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, mà còn là cơ sở quan trọng để tiếp tục mở rộng mô hình chuyển giao công nghệ trong tương lai.
Ông Thái cho rằng, một trong những rào cản lớn khiến kết quả nghiên cứu khó đi vào thực tiễn là sự thiếu kết nối, thiếu minh bạch và thiếu “ngôn ngữ chung” giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Nhiều nhà khoa học không có điều kiện thương mại hóa công trình nghiên cứu, trong khi doanh nghiệp lại khó tiếp cận thông tin, thiếu cơ sở để đánh giá và tin tưởng vào hiệu quả thực tế của nghiên cứu.
Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Thái Minh trình bày báo cáo tham luận về “Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và phát triển sản phẩm KHCN”
Giải pháp nổi bật được ông Thái đề xuất tại Hội thảo là “Xây dựng Sàn giao dịch Khoa học Công nghệ” – một nền tảng kết nối công khai, minh bạch giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Sàn giao dịch này sẽ giúp hệ thống hóa thông tin, định giá rõ ràng các công trình nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thương thảo và chuyển giao công nghệ. Đây cũng sẽ là không gian để nhà khoa học nhận phản hồi thực tiễn, giúp nâng cao tính ứng dụng và thương mại hóa của các đề tài nghiên cứu.
Tọa đàm với chủ đề “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Cơ hội và giải pháp”
Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thái cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là việc điều chỉnh tư duy quản lý tài sản hình thành từ các nhiệm vụ nghiên cứu, tạo điều kiện cho nhà khoa học được quyền tự quyết việc chuyển giao đề tài của mình cho đơn vị phù hợp, theo giá trị và quyền lợi rõ ràng. Đồng thời, cần có cơ chế minh bạch trong phân bổ giá trị chuyển giao giữa cá nhân nhà nghiên cứu và cơ quan chủ quản, tương ứng với mức đầu tư từ Nhà nước.
Theo ông Thái, giá trị lớn nhất mà Nhà nước thu được không nằm ở việc “giữ tài sản” mà là ở các khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp mà các sản phẩm thương mại hóa mang lại sau khi được ứng dụng thành công. Bên cạnh đó, các chính sách về cơ chế tài chính phù hợp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, và đặc biệt là chương trình kết nối – tư vấn chuyên sâu sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai giới: nhà khoa học và doanh nghiệp, để “nói cùng một ngôn ngữ” và cùng hướng tới mục tiêu chung.
Phát biểu của ông Nguyễn Quang Thái tại Hội thảo không chỉ mang đến góc nhìn thực tiễn từ doanh nghiệp khoa học công nghệ, mà còn truyền cảm hứng về một mô hình hợp tác chặt chẽ và hiệu quả– nơi khoa học thực sự được đưa vào đời sống, tạo ra giá trị kinh tế và lợi ích cho cộng đồng.